menu
person

Thắp sáng hay chọn cách chiếu sáng?

* Tôi đang làm nhà và không thích nhà mình dùng nhiều đèn có ánh sáng vàng vì có cảm giác nóng nực. Nhưng kiến trúc sư thì lại phản đối đèn néon dài vì không đẹp. Xin hỏi về phong thuỷ có sự khác biệt gì giữa các loại đèn này không?

* Nghe nói các tiệm buôn bán thường hay thắp đèn liên tục ở một vị trí nào đó để thu hút tài lộc, có phải là giải pháp phong thuỷ không? Các điểm bố trí đèn trong nhà có phải xác định chính xác như vị trí đặt bếp hoặc nơi vệ sinh không?

* Có sách viết là người mạng hoả nên dùng đèn ánh sáng vàng, người mạng kim dùng đèn ánh sáng trắng, thế những mạng khác thì sao?

Góc khuất gầm thang dùng đèn pha để tăng tính dương cho vùng âm

Kiến trúc & Đời sống - Ánh sáng dù là tự nhiên hay nhân tạo – khi được dùng đúng lúc đúng nơi luôn mang lại sự biến đổi, nâng cao chất lượng môi trường sống. Một ngôi nhà sẽ không thể đạt được giá trị đích thực của chốn an cư nếu không có tổ chức chiếu sáng hài hoà. Riêng về chiếu sáng nhân tạo, phong thuỷ luôn nêu rõ tinh thần chọn cách tổ chức chiếu sáng cho hài hoà âm dương, ngũ hành chứ không phải là “chỉ định” cụ thể loại đèn hay vị trí tốt xấu.

Chiếu sáng bổ sung âm dương

Chiếu sáng theo nguyên tắc cân bằng âm dương sẽ giúp cho các không gian thuần âm hay thuần dương được hỗ trợ tốt hơn bằng năng lượng ánh sáng, các quan hệ về hình thế sẽ cải thiện tích cực hơn. Những không gian thiên về tính dương (phòng của nam giới, hoặc phòng làm việc) thì cần phải được chiếu sáng bổ sung tính âm. Thủ pháp sử dụng là các nguồn sáng dịu, vùng sáng tạo ra cong hoặc uốn lượn, ánh sáng khuếch tán để giảm độ chói trực tiếp. Tính chất phòng càng “cứng” và càng có nhiều người sinh hoạt, đi lại thì càng nên dùng ánh sáng “mềm” để cân bằng khí tốt hơn. Trong khi đó các phòng của bé gái, nữ giới cư ngụ, phòng bếp ăn… khi bố trí ánh sáng nên tránh “âm thịnh dương suy” quá, tức là cần bổ sung yếu tố ấm áp, dùng ánh sáng vàng và tươi.

Không gian giao tiếp, phòng khách hợp với lối chiếu sáng kết hợp theo mảng và theo điểm, ánh sáng vàng (hoả sinh thổ)

Cần lưu ý, tính chất chiếu sáng nhà ở không giống như công trình công cộng (đèn pha chói lọi, rực rỡ chớp tắt hoặc đèn nhiều màu tương phản… đều không phù hợp với trường khí nhà ở), những nguồn ánh sáng gián tiếp, ánh sáng được lọc và khuếch tán nhờ chụp, nhờ máng, nhờ mảng hắt sáng sẽ phù hợp hơn. Vì thế, các cửa hiệu luôn dùng ánh sáng mạnh để thu hút khách hàng. Còn trong nhà ở thì kiến trúc sư có khuynh hướng chọn ánh sáng theo quy luật đảm bảo yếu tố tĩnh nhiều hơn cho không gian thư giãn và động nhiều hơn cho không gian giải trí. Các vị trí bố trí đèn chỉ xác định được khi đã xác định hoạt động trong không gian cụ thể, vì thế nếu không biết đặt bàn ăn ở đâu thì làm sao bố trí được đèn bàn ăn?

Ở thái cực khác, lối chiếu sáng mờ ảo, dịu nhẹ, lung linh như kiểu thắp nến của không gian nhà hàng chỉ là những nơi ẩm thực, trong khi nhà ở vẫn cần tính dương trong các sinh hoạt hàng ngày. Rất nhiều ngôi nhà khi bước vào cảm thấy âm u lạnh lẽo, nhưng nếu được thay đổi cung cách chiếu sáng, mở rộng cửa sổ, đưa dương quang vào nơi góc khuất tăm tối thì trường khí ngôi nhà sẽ biến đổi ngay. Việc dùng ánh sáng thuần âm chỉ nên áp dụng vào phòng thờ, những góc thư giãn tĩnh lặng và một vài thời điểm trong sinh hoạt như khi đãi tiệc thân mật, hay nội thất phòng ngủ.

Chiếu sáng tương sinh ngũ hành

Bố trí ánh sáng phù hợp trên nguyên tắc tương sinh tương khắc của ngũ hành là dựa vào tính chất của không gian ta xét thiên về hành nào mà điều chỉnh, chứ không nhất thiết phải theo ngũ hành của gia chủ. Trong những căn phòng vuông vức (tính thổ) cũng như phòng khách và sinh hoạt chung, cần phân bố ánh sáng vừa tập trung vừa phân tán, phối hợp ánh sáng trắng (kim) và ánh sáng vàng (hoả), các góc nhà dùng đèn điểm ánh sáng vàng để tương sinh (hoả sinh thổ).

Phòng trẻ em dùng ánh sáng tươi và mạnh, hợp với màu sắc và vật dụng

Đối với phòng làm việc (mang tính kim) nên dùng loại ánh sáng có thể kiểm soát được (ban ngày là cửa sổ có rèm che kiểu lật hoặc xoay, ban đêm là đèn có chụp điều chỉnh) theo mảng rộng và phủ đều mặt phẳng làm việc (dạng thổ sinh kim) tránh dùng đèn tia rọi hoặc đèn chập chờn chớp tắt, đèn màu nóng và toả nhiệt (dạng hoả khắc kim).

Trong phòng trẻ em (mang tính mộc, như cây cối đang độ phát triển), nên dùng đèn có hình dáng vui mắt, uốn lượn theo dạng thuỷ để thuỷ dưỡng mộc. Những ánh sáng tương phản nhau như vàng – tím, xanh – đỏ (thuỷ – hoả ) giúp kích thích trí tưởng tượng và tạo sự hưng phấn tốt cho trẻ.

Đối với phòng ăn là nơi tiếp nạp năng lượng (tính thuỷ và mộc) có thể dùng đèn có tính tròn và vòm cong mang tính kim) kết hợp ánh sáng tự nhiên tốt hơn cho không gian ẩm thực. Cách chiếu sáng cần tập trung, rõ ràng nhưng không chói quá.

Không gian tâm linh (như phòng thờ, nơi thiền định) vốn thuộc về hoả, và các chiếu sáng điểm (như nến, đèn rọi, đèn bóng nhỏ) tạo ánh sáng đỏ và vàng, cam (hoả – thổ) sẽ rất phù hợp để tạo trường khí tôn nghiêm.

Không gian giao thông và khoảng trống trong nhà như cầu thang, hành lang, giếng trời… cần chú ý yếu tố rõ ràng và ổn định cả ban ngày lẫn ban đêm. Có thể kết hợp chiếu sáng theo mảng với chiếu sáng điểm nhấn tại các góc thay đổi hướng.

Bài: THS. KTS Hà Anh Tuấn
Ảnh: Khánh P
hương

Category: Nội Thất | Added by: kenrymax (11/11/2009)
Views: 1065 | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Name *:
Email *:
Code *: