menu
person

Thủ tục hoàn công nhà ở theo quy trình mới

THỦ TỤC HOÀN CÔNG NHÀ Ở theo quy trình mới , nhìn chung đây là một bước đơn giản hóa thủ tục cho người dân khi xây nhà. Tuy nhiên, vẫn còn một số việc phải làm sau khi công trình đã hoàn thành để lập Thủ tục xin cấp GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU theo đúng quy định.


Phần 1. Phân biệt giữa QUY TRÌNH CŨ ( làm Thủ tục hoàn công) và QUY TRÌNH MỚI ( lập Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng) 
QUY TRÌNH CŨ ( làm Thủ tục hoàn công) :

1. Tiến hành thi công ngôi nhà theo giấy phép xây dựng, có một số khâu lúc hoàn thành phải mời cơ quan chức năng đến lập biên bản, ví dụ : khâu thiết lập hệ thống thoát và xử lý nước thải…
2. Sau khi ngôi nhà hoàn thành, để làm thủ tục hoàn công, chủ nhà phải lên quận, huyện gửi giấy đề nghị ban ngành chức năng xuống hiện trường kiểm tra, sau đó chờ trả lời.
3. Đến ngày hẹn, các bên liên quan trong xây dựng công trình (chủ nhà, thầu, thiết kế…) phải có mặt để tiếp nhân viên chức năng. Công việc thông thường là tiến hành đo đạc, đối chiếu bản vẽ; chỗ thiếu chỗ thừa với đủ các phức tạp để xác định hình thức xử lý.
Theo quy trình cũ, điều mà người dân ngại là phải chờ đợi và sợ bị hạch sách về công trình.
QUY TRÌNH MỚI (lập Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng) :
1. Quận, huyện sẽ không xuống kiểm tra nữa mà “nội bộ” gồm chủ nhà, đơn vị thi công (thầu), thiết kế, giám sát (nếu có) tự làm Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng và cùng ký để chịu trách nhiệm liên đới. Để tự thực hiện khâu này, điều kiện đầu tiên là phải thi công đúng giấy phép được cấp.

2. Để có “Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng” đúng
Hiện nay các chủ nhà, nhất là nhà ở dân dụng thường giao thầu trọn gói: thi công, thiết kế và cả giám sát thi công cho một nhà thầu. Việc này thuận tiện cho công việc hoàn công, chỉ có hai chữ ký của bên gia chủ và bên thầu. Nếu không thầu trọn gói, buộc phải có các bên như nêu trên tham gia và cùng lập biên bản.
Theo quy trình mới, các bên lập “Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng”. Trong đó có nhiều điều khoản ghi rõ như: có làm đúng theo giấy phép xây dựng không? Có vi phạm gì về các quy định về xây dựng; như lộ giới, chỉ giới xây dựng… không? Chất lượng công trình có đạt yêu cầu không? Chính quyền sẽ không kiểm tra những việc vừa nêu nhưng các bên phải tự chịu trách nhiệm với biên bản nghiệm thu này.
Để có biên bản nghiệm thu chặt chẽ, ngoài việc làm đúng giấy phép xây dựng, trong lúc thực hiện, thường có nhật ký thi công để theo dõi tiến độ và chất lượng công trình. Từ khi làm nền móng, xây phần thô, phần hoàn thiện cho đến theo dõi hệ thống cấp thoát nước và chạy đường điện đều phải được thể hiện trong nhật ký. Và đây là cơ sở để các bên xác nhận vào “Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng”.
Những điều chủ nhà cần lưu ý
Trường hợp 1 – Các công trình đã khởi công theo các giấy phép cũ :
Chủ nhà phải liên hệ đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu có tư cách pháp nhân để lập biên bản. Mẫu để thực hiện trong trường hợp này là mẫu 13: “Biên bản nghiệm thu theo hiện trạng công trình”.
Trường hợp 2 – Nếu các bên tham gia trong xây dựng công trình không có tư cách pháp nhân :
Áp dụng Nghị định 126 để phạt nhà thầu hay bên thiết kế về lỗi hành nghề không có tư cách pháp nhân rồi sau đó mới được hoàn công.
Trường hợp 3- gia chủ tự xây nhà mà không đủ điều kiện đăng ký
Phải thực hiện lại các khâu như thuê tư vấn vẽ lại hiện trạng nhà. Còn chất lượng công trình, chủ nhà phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ngoài ra, công trình đã xây dựng phải đúng quy chuẩn xây dựng; nếu xây dư, chìa ban công sai kích thước quy định… chẳng hạn, có thể phải tháo dỡ thì bên tư vấn mới ký biên bản.
Dù trong trường hợp nào cũng cần thiết có biên bản để sau này, nếu có bất kỳ sự cố nào, sẽ có chứng cứ để quy trách nhiệm các bên. Do vậy điều tiên quyết là thực hiện đúng theo quy chuẩn xây dựng và giấy phép xây dựng. Và có biên bản này là sự xác nhận việc đã xây căn nhà trên mảnh đất đã có chủ quyền nhà.
 
Phần 2. Thủ tục hoàn công theo QUY TRÌNH MỚI
 
Theo điều 25 quyết định 68/2010/QĐ-UBND của UBND Tp.HCM, sau khi xây dựng xong công trình, chủ đầu tư (tức chủ nhà) phải tổ chức lập BIÊN BẢN NGHIỆM THU HOÀN THÀNH CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG hoặc BIÊN BẢN NGHIỆM THU THEO HIỆN TRẠNG CÔNG TRÌNH.
Theo khoản 3 điều 26 nghị định 209/2004/NĐ-CP, thành phần nghiệm thu bao gồm : CHỦ ĐẦU TƯ, NHÀ THẦU XÂY DỰNG và NHÀ THẦU THIẾT KẾ (nếu có).
Cùng với giấy tờ về :
1. QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
2. GIẤY PHÉP XÂY DỰNG
3. BIÊN BẢN NGHIỆM THU HOÀN THÀNH CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG hoặc BIÊN BẢN NGHIỆM THU THEO HIỆN TRẠNG CÔNG TRÌNH (trường hợp này cần có thêm bản vẽ hiện trạng công trình)
là cơ sở để chủ đầu tư lập THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU theo quy định (điều 13 quyết định 54/2007/QĐ-UBND của UBND Tp.HCM).
 
Lưu ý – Về điều kiện năng lực của đơn vị thi công :
Theo điều 11 thông tư 39/2009/TT-BXD :
- Trường hợp nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng < 250m2 hoặc dưới ba tầng thì mọi tổ chức, cá nhân được thi công nếu có kinh nghiệm đã từng thi công xây dựng nhà ở có quy mô tương tự. do đó việc thuê đơn vị thi công không có tư cách pháp nhân là không vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng.
- Trường hợp nhà ở có tổng diện tích xây dựng sàn > 250m2 hoặc từ ba tầng trở lên hoặc có tầng hầm hoặc thi công nâng tầng, thì tổ chức thi công xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại điều 53 nghị định 12/2009/NĐ-CP. Theo điểm e khoản 1 điều 23 quyết định 68/2010/QĐ-UBND, chủ đầu tư không được chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực theo quy định tham gia xây dựng công trình. 
Do vậy, trường hợp đơn vị thi công xây dựng được thuê mà không đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định, thì chủ nhà có thể bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng theo điểm c khoản 1 điều 13 nghị định 23/2009/NĐ-CP.
Tổng hợp bởi Thiết Kế Nhà Đẹp

 

Category: Kiến Trúc Luận | Added by: kenrymax (26/07/2014)
Views: 38843 | Comments: 3 | Rating: 3.6/7
Total comments: 1
1 uyen  
0
Khi lam giay hoan cong ngoai nhung giay to ghi tren co can nop so do kg...

Name *:
Email *:
Code *: