Việc thiết kế mặt tiền cho một ngôi nhà luôn là nỗi trăn trở và cũng là niềm đam mê của người kiến trúc sư. Nó không chỉ mang đến sự thành công cho người thiết kế, tạo ra sự tiện nghi cho người sử dụng mà còn tạo nên sự cân bằng trong đô thị cũng như vẻ đẹp của một thành phố. Nó là bộ mặt của ngôi nhà và đặc trưng cho kiến trúc. Việc ứng dụng bêtông và thép trong kiến trúc đã dẫn đến mặt tiền không còn là phần tử chịu lực của công trình, từ đó mang đến sự tự do biểu hiện cho người thiết kế. Ngoài tính hình thức ra nó còn biểu lộ đầy đủ các ý nghĩa về văn hoá và xã hội.Sự bùng nổ xây dựng nhà ở tư nhân bắt đầu từ thập niên 90. Ban đầu việc thiết kế "kiểu cách” mặt tiền của ngôi nhà được yêu cầu bởi chủ nhà, thường mong muốn theo kiến trúc Pháp cổ. Nó dường như trở thành một dịch bệnh tâm lý lan tràn. Nhiều người không hiểu thực sự thế nào là kiến trúc Pháp mà cứ "ang áng” rồi chạy theo trào lưu mà chúng ta hay gọi là "mốt”. Điều đó rồi cũng dẫn đến một kết quả "ang áng” mang nặng tính hình thức, chỉ riêng mặt tiền là được bôi vẽ "ang áng” chứ cái "hồn” của kiến trúc Pháp đâu có được tái tạo và đổi mới. Mặt tiền trở thành phần tử riêng biệt không dính dáng gì đến tổ chức của các không gian bên trong cũng như cấu trúc của toàn khu vực. Khái niệm đó sau dần trở thành thói quen của nhiều kiến trúc sư. Mặt tiền hoàn toàn tách biệt trong thiết kế tổng thể, nó được coi như một đồ án thứ hai, nhiều khi nó còn bị thay đổi ngay trong lúc xây dựng. Nhiều người còn copy từ những công trình in trong các tạp chí kiến trúc nước ngoài mà không hề nghiên cứu nó mang ý nghĩa gì. - Mặt tiền cũng như bức tường, nó có hai mặt, mặt ngoài hướng ra đường để bộc lộ những gì muốn nói của chủ nhà, mặt trong che giấu những thầm kín của một gia đình. Nó có thể được bịt kín để tránh đi những tiếng ồn, để đảm bảo sự an toàn hay nó cũng có thể được mở rộng và trở thành phần tử liên kết giữa trong và ngoài, giữa con người và thiên nhiên, giữa cá nhân với cộng đồng. - Mặt tiền biểu hiện sự hiểu biết văn hoá của một gia đình, niềm tự hào của một quốc gia, một dân tộc. - Mặt tiền kể về lịch sử của một thời kỳ hay thể hiện sự mong muốn tìm lại một hoài niệm đã qua. - Mặt tiền bị ảnh hưởng của một hệ tư tưởng từ một thể chế chính trị. Ở thành phố Berlin, những công trình xây dựng trong thời kỳ phátxít Đức luôn đồ sộ và lạnh lùng, nó muốn khẳng định sự tuân thủ tuyệt đối. Những khu nhà tập thể xây dựng sau thế chiến thứ hai ở vùng Đông Đức luôn đồng đều và đơn điệu. Còn ở Tây Đức đã xuất hiện những nét chấm phá riêng lẻ, sự tự do biểu hiện.- Mặt tiền phân biệt các giai cấp khác nhau trong xã hội (thấy rõ ở những thế kỷ trước). - Mặt tiền cũng song hành với những đổi thay của xã hội. Ngôi nhà không chỉ là nơi để ở mà cũng là chỗ để kinh doanh hay trụ sở làm việc. - Mặt tiền phải tuân thủ theo các điều luật ban hành trong thành phố. Nó cũng có thể là hệ quả của cách xếp đặt các không gian bên trong cũng như cấu trúc định hình của khu vực. - Mặt tiền luôn được đổi mới cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Mang đến sự tiện nghi cho con người và bảo vệ môi trường bền vững. - Và hơn bao giờ hết, mặt tiền chỉ ra khả năng sáng tạo và mức độ nhạy cảm của người thiết kế. Còn rất nhiều lý do khác để miêu tả phần tử đặc biệt này của kiến trúc. Bài viết này nói tới một kiểu mặt tiền của một loạt nhà trong đô thị của một số nước trên thế giới. Chúng được thiết kế từ một chủ đề giống nhau là ngăn cách ngôi nhà với khu vực xung quanh, dẫn tới việc bố trí các không gian hướng vào bên trong của ngôi nhà. Với cùng một mục đích nhưng chúng được xử lý hoàn toàn khác nhau, với khả năng đầy sáng tạo của người thiết kế. Nhà mở vào bên trong hay còn gọi là nhà hướng nội được định hình ngay từ thưở ban đầu của lịch sử về nhà ở đô thị. Ngôi nhà là nơi hội tụ của một gia đình, chứa đựng những điều riêng tư của gia đình đó. Để có được sự kín đáo thì những không gian sống được mở hướng vào những khoảng sân hay vườn bên trong ngôi nhà. Nhà ở truyền thống của hầu hết các nền văn hoá đều dựa theo mô hình này. Đặc biệt với tập tính kín đáo của người Á Đông thì kiểu sống này luôn tồn tại với nhiều cấu trúc không gian khác nhau. Việc sống hướng nội xuất phát từ một nhóm người trên một vùng đất nhất định. Làng bản được cấu tạo nên bởi một không gian khép kín. Cổng làng là một phần tử mang đầy ý nghĩa và biểu tượng. Nó không chỉ đánh dấu ranh giới của một vùng đất mà còn thể hiện tập tục sinh hoạt và tâm linh của những con người sống đằng sau đó. Ở nước ta, việc tạo dựng đô thị mang nhiều ảnh hưởng của kiến trúc làng bản. Ở làng miền Bắc, nơi sinh sống của một gia đình được tổ chức đầy đủ trên lô đất dành cho từng hộ bao gồm các phòng sinh hoạt, chỗ sản xuất phụ của gia đình, chuồng chăn nuôi gia súc và giếng nước.Gần đây thế giới mới được biết đến dân tộc Hakka, một dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Để thoát khỏi chiến tranh và nạn đói, dân tộc Hakka đã di cư từ miền trung tới những vùng xa xôi đầy núi non ở miền nam Trung Quốc. Vùng đất tây nam của tỉnh Fujian là nơi họ đặt chân tới đầu tiên, tính cho đến nay đã hơn 1.000 năm. Dần dần họ cũng đi tới phía nam tỉnh Jiangxi, phía bắc và phía đông tỉnh Guangdong. Họ là những người phải rời bỏ mảnh đất của mình đến cư ngụ ở những vùng đất mới, nên điều mà họ mong mỏi duy nhất là có được một sự an bình. Điều đó được thể hiện rõ nét trong kiến trúc, những khu nhà được xây dựng khép kín hình trụ tròn hoặc chữ nhật tạo ra một khoảng sân chung ở giữa, chỉ có một cổng duy nhất để đi vào. Các cửa sổ mở ra ngoài rất nhỏ để tránh sự xâm nhập từ bên ngoài. Mỗi khu nhà như một gia đình lớn, sự đoàn kết và hưởng lợi đồng đều cũng được kiến trúc chỉ rõ như việc mỗi gia đình ở trong một đơn vị nhà theo chiều đứng. Thường khu nhà có 4 hoặc 5 tầng, tầng một dùng cho bếp và buồng tắm, tầng hai dùng làm kho, các tầng trên làm buồng ngủ. Khu nhà lớn nhất có chiều cao lên tới 20m và đường kính 77m. Vật liệu chủ yếu là đất, cát, đá và tre, gỗ tìm được ở địa phương. Hiện nay có khoảng 400 khu nhà như vậy nằm rải rác tại ba tỉnh. Khu nhà tồn tại lâu nhất tới ngày hôm nay đã quá 600 năm. Ngoài ra, đất vườn còn trồng rau và cây ăn quả, nhà nào rộng có ao thả cá. Các ngôi nhà được bao quanh bởi những bức tường cao tạo ra từng khu với những chức năng thuần tuý phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho mỗi con người, nó như một thế giới riêng biệt của từng gia đình. Khi tạo dựng đô thị thì lối sống này cũng được mang theo, các ngôi nhà ống ở phố cổ Hà nội cũng mang đầy đủ các chức năng, vừa để ở vừa để sản xuất và còn có thêm chức năng kinh doanh nữa. Nó thể hiện một nền kinh tế thủ công buôn bán nhỏ. Các ngôi nhà ống thường rất dài, để có gió và ánh sáng tự nhiên thì các khoảng sân trong được tạo ra. Các khoảng sân này mang mục đích "kỹ thuật” nhiều hơn là "mỹ thuật”, nhiều nhà còn tận dụng chúng cho những công việc phụ của gia đình, chỉ có một số ít đặt hòn non bộ ở đây để tạo phong cảnh. Các không gian phía ngoài đường dành cho kinh doanh và chứa đồ, để lại những không gian sinh hoạt của gia đình phía sau hướng vào những khoảng sân bên trong. Ở Nhật Bản, các không gian sống được dàn cảnh một cách khéo léo với khu vườn bên trong. Sự dàn cảnh này được thành lập từ các vị trí của con người sống ở trong đó. Chính sự liên tiếp của những thế giới thu nhỏ sinh ra các sự kiện khác nhau đã làm phong phú cho ngôi nhà chứ không phụ thuộc vào diện tích rộng hẹp của thửa đất. Ngôi nhà Nhật Bản dựa vào khái niệm về thời gian để định hình không gian, tạo ra sự liên hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như tìm một sự cân bằng giữa trong và ngoài. Nó là sự kết hợp đồng thời của ba khái niệm: nhẹ nhàng, xuyên suốt và tính tạm thời. Tính tạm thời ở đây không chỉ được thấy rõ bởi sự đơn giản và nhẹ nhàng của kết cấu cũng như các phần tử của ngôi nhà mà còn bởi ý nghĩa của không gian được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Mặt tiền kín đáo mảnh mai được cấu tạo bởi những nan gỗ như những tấm mành tránh những cái nhìn từ bên ngoài nhưng vẫn để ánh sáng xuyên qua.
| |||||||||||||||
| |||||||||||||||
Views: 1108 | |
Total comments: 0 | |