menu
person

Ngụ ngôn của kiến trúc?

Khi cuộc sống rơi vào những tâm trạng bế tắc nhất tôi thường lui về đâu đó để tìm kiếm một cuộc đối thoại với kiến trúc. Trong mỗi làng quê đang từng ngày biến chất, trên những con phố đang hổn hển sa đọa, biết đâu một kiến trúc đểu giả nhất cũng ẩn khuất trong mình một dáng vẻ… trầm lặng đáng kính.

  • Ảnh bên : Khách sạn La Residence Huế 

Trong một lần như thế tôi có “ghé qua” những ngôi nhà của kiến trúc art deco. Với đại đa số người Việt đang sử dụng, sở hữu những kiến trúc thuộc trường phái này, ngôi nhà chỉ là chỗ chui ra chui vào. Không nhiều người cảm nhận art deco như là biểu tượng của nhu cầu thay đổi, năng lực vận động để tìm kiếm những giá trị mới. Sứ mạng đầu tiên của nó là thể hiện ý thức phản kháng. Nỗ lực lớn nhất của Art deco là sự trối bỏ những tàn tích, định ước xưa cũ, những khuôn vàng thước ngọc của kiến trúc cổ điển. Và như một quy luật tự nhiên, những thành quả của Art deco tiếp tục đặt nền tảng cho những bước phát triển không ngừng của kiến trúc hiện đại. Art deco chính là một cuộc cách mạng. 

Ngược dòng 

Kiến trúc không thể chỉ là “ cái máy để ở” với tập hợp hình khối, chất liệu hay công năng. Khám phá kiến trúc như là một số phận, điều đó cho tôi hình ảnh thực và khá bền vững về một giai đoạn lịch sử, văn hóa. Tôi để ngẫu hứng, cảm tính dẫn dắt mình đi tìm những cảm nhận riêng biệt. 

Có lần ra chợ sách mua cuốn “Hà Nội chu kỳ của những đổi thay” của Pierre Clément và Nathalie Lancret rồi ngồi bệt xuống trước cửa Phòng Thương mại và Nông nghiệp Hà Nội trên phố Đinh Lễ (nay là Trung tâm đào tạo nghề của Bộ LDTB&XH) mà đọc. Nếu có lúc nào đó liên tưởng, so sánh kiến trúc tàn úa phía sau lưng với hình ảnh tráng lệ của nhà hát Le Grand Rex ở Paris thì lại thấy rất rõ cảm giác trống rỗng.

  • Ảnh bên : Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn xây dựng

Khi ngồi ở một biệt thự đang ra chiều cũ nát ở biển Đồ Sơn lại bùi ngùi nhớ lúc dừng chân ở cảng Jaffa để ngắm nghía những khu phố art deco đã trở thành Di sản văn hóa thế giới bên bờ Địa Trung Hải của Tel Avip. Từ cái khóa cửa được deco tinh tế, trang trí tranh kính ấn tượng của Grand Central Station ở Chicago đến mảng tường xiêu vẹo, những phù điêu bụi bặm ở đầu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa lại có biết bao câu hỏi không nhỏ được đặt ra về khác biệt trong thái độ sống của người dân hai đô thị và khoảng cách quá lớn giữa hai nền văn hóa.

Những cảm nhận về art deco của tôi có vẻ mạch lạc hơn trong một ngày lang thang trên đê sông Hoàng Phố. Ngắm nghía kiến trúc tòa nhà Hải quan, The Broadway Mansion hay khách sạn The Park ở Phố Đông Thượng Hải tôi ước mình có phép “cân đẩu vân” để ngó xem Chrysler Building biểu tượng New York, cầu Cổng vàng San Francisco. Vậy là chỉ có một vài thành phố thực sự năng động nằm ở phía Đông Trung Hoa mới có chỗ đứng chân cho kiến trúc art deco. Và chỉ có New York, Chicago hay San Francisco… những thành phố năng động bậc nhất của Mỹ mới hội tụ nhiều tác phẩm kiến trúc art deco đỉnh cao.

  • Ảnh bên : Đây là ngôi nhà 79 Nguyễn Thái Học lúc ban đầu. Bây giờ có ai đi qua dừng lại ngó xem nó đã biến dạng thế nào? 

Trong khi quan sát các kiến trúc phong cách kiến trúc art deco trên nhiều châu lục, tôi cũng tìm được những minh chứng chính xác năng lực nội sinh cũng như khả năng lan tỏa của nó. Cố lần theo bản vẽ, các mô hình của Walter Gropius cho đến khi đứng chân ở Đại học Weimar Bauhaus, tôi có cơ hội tìm thấy những thông điệp chung trong phong cách thiết kế không rườm rà, khúc chiết rất đặc trưng của kiến trúc Bauhaus và những tác phẩm art deco. Từ nghiên cứu tác phẩm đến đi thực địa, tôi nhận ra sự tiếp biến, ảnh hưởng giữa những khối hình giản dị, hiện đại của art deco trong các tác phẩm theo chủ nghĩa công năng của Le Corbussier. Những lớp trần phẳng, thẳng trong kiến trúc art deco dễ gợi liên tưởng tới những hình đồng dạng trong kiến trúc hữu cơ mà Frank Lloyd Wright đã vẽ nên nhà Robie ở Chicago, Fallingwater, Pennsylvania, nhà D. Martin hay tư gia của Wright’s ở Oak Park, Illinois… 

Thế mới biết kiến trúc cũng nhạy cảm nhường nào. Nó lựa chọn không gian, nơi chốn để đặt nền móng. Nó tìm đúng thời điểm để phát đi những thông điệp nhân văn cho nhân loại. Để tồn tại, cơ thể kiến trúc cần được nuôi dưỡng bởi nhóm máu của chính nó. Để sống, art deco cũng biết cách ẩn mình và tái sinh trong những hình dạng, thế phận khác.

  • Ảnh bên : Nguyên mẫu của con tầu Emeraude ( 1903) hiện nay đang chạy ở Hạ Long 

Những nhịp cầu 

Trong một sơ đồ nhận thức, tôi thường có hành trình ghé qua hội họa, điêu khắc, văn học… để tìm cho được những điểm nhìn khác lạ khi quan sát kiến trúc. Điều này giống như khi đi qua một cây cầu, bên một dòng sông, người ta như được trôi đi trên dòng chảy khác.

Khi tham quan Bảo tàng mỹ thuật Tate Modern (London), những đường kẻ thẳng, khối màu đơn giản trong tác phẩm hội họa trừu tượng của Piet Mondrrian (1874- 1944) hay những tiết chế trong điêu khắc “
Bird in space” của Constantin Brancusi (1876- 1957) đã giúp tôi tìm ra những đường link thú vị với kiến trúc Art Deco. Là một trong những nghệ sỹ có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20, Constantin Brancusi được biết đến bởi năng lực cô đọng hình thể tự nhiên tới mức tối thiểu và gần như trừu tượng. Ông từng có câu nói nổi tiếng “Sự đơn giản không phải là cái đích cuối trong nghệ thuật, mà là thứ chúng ta sẽ thấy khi tìm kiếm chính mình.”( Simplicity is not an end in art but we arrive at simplicity in spite of ourself).

Tôi cũng tìm thấy sự đồng điệu với Brancusi trong tiểu thuyết Suối Nguồn khi Ayn Rand viết về tòa nhà Dana: “những đường thẳng của nó cứng cỏi, giản đơn; chúng phô bày và nhấn mạnh sự hài hòa của kết cấu thép bên trong như một cơ thể phô bày sự hoàn hảo của các xương đốt của mình. Nó không có họa tiết trang trí nào. Nó không thể hiện gì ngoại trừ sự chính xác của các góc nhọn, ngoài sự mẫu mực của các mặt phẳng, ngoài những đường sọc dài của các cửa sổ – trông giống như những dòng nước đá chạy dọc từ mái nhà xuống hè phố

Sau khi mô tả kiến trúc, Ayn Rand dấn thêm một bước để khắc họa không gian dung chứa những thái độ đầy trắc ẩn của một thế hệ KTS trước hiện thực suy đồi của kiến trúc hiện đại: “anh có nhận ra rằng cái gọi là trường phái hiện đại ấy chỉ là một thứ trào lưu nhất thời? Anh phải cố mà hiểu – và cái này thì tất cả những nhà chuyên môn đã chứng minh – rằng mọi cái đẹp trong kiến trúc đều đã được phát hiện rồi. Mỗi phong cách thiết kế của quá khứ là một mỏ vàng. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn từ những gì các nhà thiết kế vĩ đại đã nghĩ ra. Chúng ta là ai mà dám đòi cải tiến? Chúng ta chỉ có thể cố mà bắt chước – một cách trân trọng mà thôi”… 

  • Ảnh bên : Một góc La Residence. Đây là một góc quan sát sông Hương và Đại Nội rất đẹp

Qua những đối thoại, một nhà văn Mỹ Ayn Rand đã lạnh lùng bóc tách những lớp xung đột tâm lý đang ngập sâu vào bất lực và tuyệt vọng của một Henry Cameron. Nhưng một triết gia mang tâm hồn Nga trong Ayn Rand lại chỉ ra một xu hướng vận động không thể khác của Roark. Đó là cuộc khẩu chiến giữa lý trí và cảm tính; sự đong đếm bi hài giữa những trải nghiệm đau đớn và khát vọng không ngừng; là đối thoại của hiện tại bế tắc với một tương lai bị dồn nén bởi áp lực mở lối… 

Nhiều chi tiết như thế đã tạo cho 
Suối Nguồn tầm vóc một giáo trình kiến trúc hấp dẫn nhất. Nó giúp tôi hiểu rõ thêm chân giá trị của kiến trúc nói chung và những tác phẩm art deco nói riêng. 

Quả thực Art deco đâu chỉ được sản sinh ra từ sự nghèo túng, kiệt quệ về tài chính của thế giới sau đại chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đó không thể là những quan niệm thực dụng, thông tục được thể hiện trên chất liệu bê tông và sắt thép. 

Một thân phận khác 

Trong khi những kiến trúc Art deco trên thế giới đã kịp đóng dấu ấn sâu sắc trên một bình diện đời sống rộng lớn bao gồm cả triết học, văn học, hội họa, điêu khắc, design… thì số phận đồng bào của nó ở Việt Nam lại khá buồn tẻ. Số lượng công trình không nhiều. Lác đác vài kiến trúc có quy mô vừa. Hầu hết các kiến trúc đều không phải là thiết kế của những kiến trúc sư “cung đình”. Không mấy tác phẩm trở nên danh giá vì hẫng, trượt hay lỡ nhịp với những sự kiện, biến cố lớn trong lịch sử.

  • Ảnh bên : Dinh 2 của vua Bảo Đại ở Đà Lạt

Tiêu biểu cho phong cách kiến trúc này chỉ có thể đếm trên ngón tay. Hà Nội có Ngân hàng Đông Dương (Ngân hàng nhà nước 47 Lý Thái Tổ), Văn phòng hãng Shell (Bộ Công nghệ và Khoa học 39 Trần Hưng Đạo), Huế có phần mở rộng của Tòa Công sứ (Khách sạn La Residence 5 Lê Lợi), Nha Trang, Đà Lạt có các biệt điện của vua Bảo Đại…

Ở Hà Nội, art deco có thể oách hơn kiến trúc theo phong cách Tiền thực dân như Sở Mật thám Đông Dương của KTS Henri Cerutti (thiết kế năm 1927) hay trại lính khố xanh do Félix Godard (thiết kế năm 1938) chút đỉnh. Nhưng Art deco khó có thể danh giá như những kiến trúc thuộc phái Tân cổ điển với những đại diện tiêu biểu như Phủ toàn quyền, Phủ Toàn quyền Đông Dương (Phủ Chủ tịch), Dinh Thống sứ Bắc Kỳ, Phủ Thống sứ (Nhà khách Chính Phủ 12 Ngô Quyền), Nhà hát lớn, khách sạn Metropole (15 Ngô Quyền)… Art deco càng khó tranh giành ảnh hưởng với phong cách Đông Dương mà biểu tượng của nó là Toà nhà chính Đại học Đông Dương (19 Lê Thánh Tông), Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng lịch sử 1 Phạm Ngũ Lão), Viện Pasteur (1 Yersin), Sở Tài chính (Bộ Ngoại giao), Nhà thờ Cửa Bắc, Câu lạc bộ thuỷ quân (Trụ sở Tổng cục TDTT )… 

Và cho đến hôm nay những tác phẩm art deco vẫn còn tiếp tục xuống cấp một cách mỉa mai. Một minh chứng rành rành cho định đề: Thời đại nào kiến trúc ấy.

  • Ảnh bên : Biệt điện của vua Bảo Đại trên hồ Lak Ban Mê Thuột

Hầu như những người tiếp quản các kiến trúc của người Pháp đều không đủ tâm thế của người chủ đích thực. Trước hết là vì họ đã ứng xử với Kiến trúc được như một thứ nhà trọ. Họ nhanh chóng biến kiến trúc thành những bức tường hay một quầy hàng xén vẫn thấy trên khắp những ngõ hẻm phố phường. Trên đó, ai cũng có thể dễ dàng treo mắc vô tội vạ các loại banron, khẩu hiệu, cờ phướn, poster, biển quảng cáo và đương nhiên không thể thiếu ảnh lãnh tụ…. Những rác bẩn ngang nhiên đeo bám, ký sinh vào kiến trúc. Dường như mọi người đã quên rằng một kiến trúc đẹp đẽ, sạch sẽ mới chính là một poster quảng bá đầy ấn tượng về văn hóa của một dân tộc.

Đáng tiếc nhất là tòa nhà Ngân hàng. Ngay chính ở nơi đang từng ngày định hướng dòng chảy của tiền bạc của đất nước lại có vẻ rất thiếu những chi phí xứng đáng cho việc tôn tạo một địa chỉ văn hóa vào loại oách của Hà Nội. 

Bẩn nhất là Văn phòng hãng Shell (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ, 39 Trần Hưng Đạo). Ở những khối âm giúp cho mặt tiền tòa nhà trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát, cánh xe ôm và người đi đường đã nhanh chóng biến nó thành nhà vệ sinh lộ thiên từ khi nơi này còn là trụ sở của Bộ…. Môi trường?! (từ hôm thấy miềng đi qua chụp ảnh, chủ nhân đã đem quét vôi nhưng trông quấy quá… rất …khoa học và công nghệ…)

  • Ảnh bên : Một cây cầu art deco hiếm hoi bắc qua sông Krong Ana DakLak 

Tang thương nhất phải kể đến biệt điện của vua Bảo Đại bên hồ Lak trên Buôn Ma Thuột. Bên các bức tường vẫn găm đầy những vết đạn pháo thì chỉ có cỏ dại mới đáng là kiến trúc tự tin nhất ở đó.

Lãng phí nhất vẫn là việc kinh doanh du lịch trên “thân xác” tàn tạ của các biệt điện Bảo Đại ở Nha Trang và Đà Lạt… 

Vậy là gần một trăm năm trôi qua, phong cách kiến trúc art deco ở Việt Nam chỉ có thể để lại cho chúng ta cảm giác hay chút kí ức nhạt mờ, thoáng qua? Nhân danh nhu cầu phát triển, nhiều bấn loạn của đời sống, những xộc xệch về văn hóa tiếp tục đe dọa sự sống còn của di sản. Và những kiến trúc với khối hình phẳng, thẳng, giản đơn, hiện đại, nội thất tinh tế sẽ không còn nhiều cơ hội để tiếp tục trở thành một phần của ngôn ngữ thiết kế đương đại phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. 

Vì sao? 

La Residence như một tiếp nối... 

Chỉ có một số kiến trúc như nhà in IDEO (L’ Espace, 24 Tràng Tiền), Press Club (12 Lý Đạo Thành), Viện Goeth 56-58 Nguyễn Thái Học hay du thuyền Emeraude trên vịnh Hạ Long, khách sạn La Residence là vẫn còn gìn giữ và tôn vinh phong cách art deco. Tất cả các công trình này đều đang thuộc sở hữu của cá nhân hoặc tổ chức văn hóa nước ngoài ??? 

Nằm bên cạnh dòng sông Hương, con phố chính của Huế, một dòng chảy văn hóa lớn, khách sạn La Residence ở số 5 đường Lê Lợi là một kiến trúc art deco hiện tồn mà tôi yêu thích nhất.

 
Góc kiến trúc ban đầu của La Residence / Mặt tiền nhìn từ đường Lê Lợi 

Đầu thế kỷ 20, La Residence chỉ là một biệt thự được xây dựng trên đường Jules Ferry ( mang tên một Thủ tướng Pháp) trong một quy hoạch tổng thể thân thiện với môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn. 

Đầu thế kỷ 21, La Residence có may mắn hơn nhiều kiến trúc Pháp ở bờ Nam sông Hương, một số biệt thự trên phố Hàng Chuối, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thái Học (Hà Nội) hay trên đường Trần Quốc Thảo, Tú Xương, Trương Định (Sài Gòn)… là kịp thời “thoát” khỏi sự quản lý của các công ty nhà nước. Suốt 25 năm trước đó, La Residence đeo đẳng thân phận phú quý giật lùi. Đó cũng là quá trình bộ mặt kiến trúc biến dạng buồn thảm nhất. Nhưng dẫu sao từ một tư dinh đến, văn phòng đại diện Trung kỳ của chính quyền miền Nam, từ nhà khách chuyển sang khách sạn cũng vẫn là một chuỗi thay đổi ít cay đắng nhất của một số phận mang danh La Residence hôm nay.

 
hành lang / cầu thang  

Năm 2000 đánh dấu sự hồi sinh thực sự từ khi La Residence có được những người chủ đích thực của nó. 

Không còn cảnh nhân viên đẩy xe chở đầy ngập đồ dọn phòng đi qua nơi khách đang ngồi nghỉ ngắm cố đô với sông Hương thơ mộng. Salad bữa sáng không còn trộn lẫn những thông báo dọn vệ sinh thoát ra từ loa nén của phường. Và nếu có ngồi nhấm nháp chút rượu ngon khi chiều buông, sẽ không ai còn bị đạp vào mắt bởi hàng khẩu hiệu đỏ chóe chọe những “
…vĩ đại… muôn năm…” hay “ “Hăng hái ra quân thực hiện kế hoạch năm…” . 

Khách sạn đã mở rộng diện tích xây dựng, tăng thêm số lượng phòng sử dụng, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Hai khối kiến trúc mới hài hòa với công trình cũ. Những giá trị, tinh thần của kiến trúc Art deco và phong cách thiết kế nội thất Art Nouveau được tôn vinh đúng với dáng vóc quý phái vốn có. 

Những người chủ mới thực sự hiểu được rằng khách hàng của họ không chỉ trả tiền cho một chỗ đặt lưng. Sẽ thật thú vị nếu ai đó có cảm giác được trở về ngôi nhà của mình đặt ở Việt Nam với những hình khối của kiến trúc đơn giản, khúc chiết và ngả lưng trên ghế dài để ngắm con sông như đã rất thân quen. Cũng là khó diễn tả tâm trạng được nghe điệu Nam Ai trong khi ngắm nhìn chân dung những ông quan nhà Nguyễn treo trên bức tường có tô màu nóng ấm, tương phản.

 
quán bar / ban công 

 
sân thượng / một view đẹp của La Residence

Đối thoại một cách bình đẳng với tầm vóc văn hóa của kiến trúc, những người đang sử dụng, vận hành La Residence đã không biến nó thành một hiện vật đông cứng trong kho lạnh di sản kiến trúc. 

Và giống như sông Hương huyền thoại, sức sống của La Residence là tiếp nối, lưu chuyển để tạo nên một không gian Huế rộng lớn, quyến rũ hơn.

Xuân Bình

Category: Kiến Trúc Luận | Added by: kenrymax (11/11/2009)
Views: 1256 | Comments: 3 | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Name *:
Email *:
Code *: