menu
person

Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc

Có cách nào đó để chúng ta tránh được giai đoạn "khủng hoảng" về không gian sống?

Thiếu hụt không gian 

Nhiều đô thị tại các nước phát triển trên thế giới đã trải qua giai đoạn quá tải về các phương tiện giao thông, sự bùng nổ một cách bất hợp lý các công trình xây dựng và  thiếu hụt không gian công cộng. 

Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh  và nhiều thành phố khác ở VN đang đối mặt với nguy cơ này. Có cách nào đó để chúng ta tránh được giai đoạn "khủng hoảng" về không gian sống nói trên? 

Có lẽ, ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ phải chấm dứt việc ca tụng các thành quả xây dựng và các công trình kiến trúc cục bộ, để có cái nhìn thực chất hơn về kiến trúc - quy hoạch - và quản lý phát triển đô thị bền vững. Đối tượng cuối cùng đáng quan tâm là: cuộc sống đang diễn ra như thế nào giữa những công trình kiến trúc đó?

GS. Jan Gehl trong cuốn sách nổi tiếng Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc gợi mở: "Điều quan trọng nhất là cần thừa nhận rằng không phải cần tập hợp nhà cửa, mà cần tập hợp người và các sự kiện. Những khái niệm như diện tích sàn/tỉ lệ chỗ xây dựng và mật độ xây dựng không nói lên điều gì có tính quyết định về việc các hoạt động của con người đã được tập trung thỏa đáng hay chưa". 

Ông chú trọng đặc biệt đến các cơ hội tận hưởng một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên hơn, cơ hội giao tiếp của con người với nhau, và do đó, góp phần làm cho xã hội sinh động và gắn bó hơn. 

  • Ảnh bên : Tác giả Jan Gehl, nguyên là GS Thiết kế Đô thị, Trường Kiến Trúc, Học viện Mỹ Thuật Hoàng Gia Đan Mạch (Ảnh: TC)

Được xuất bản lần đầu vào năm 1971,Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc luôn được sử dụng rộng rãi như một cuốn cẩm nang về quan hệ giữa không gian công cộng và đời sống xã hội trong thành phố. 

Kiến trúc là đời sống 

Đi bộ, đứng, hay ngồi có phải là những nội dung quan trọng mà các nhà kiến trúc cần đặc biệt lưu tâm tới không?

Câu trả lời là không và có. 

Ở những nơi mà "kiến trúc chỉ là kiến trúc" và "kiến trúc bị chi phối bởi quyền lực" thì không. Nhưng ở những nơi mà "kiến trúc là đời sống" thì có. 

Các khảo sát chi tiết được minh hoạ trong cuốn sách cho thấy hiệu quả của việc thiết kế nhà cửa với độ cao vừa phải, bãi đỗ xe cách nhà một quãng, không gian trước nhà và các không gian chung thích hợp, hành lang đi bộ... tỉ lệ thuận với mức độ giao tiếp của cộng đồng,  sự tham gia vào đời sống chung quanh, hoạt động của trẻ...

Các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện ở châu Âu và Mỹ, cho thấy người dân ở đây có lối sống thân thiện với môi trường và ưa vận động, giao tiếp với những người xung quanh, khiến cho bức tranh đô thị ở đó trở nên ôn hòa và dường như rất đáng mơ ước. 

Nhiều người VN, nếu được lựa chọn, hẳn sẽ lựa chọn việc đi bộ thảnh thơi qua các con phố, gật đầu chào những người quen hoặc làm quen. Đó là lối sống truyền thống. Nhưng bước vào đô thị hiện nay, họ dần dần bị tước đi các điều kiện để làm thế.


Điều quan trọng nhất là không phải cần tập hợp nhà cửa, mà cần tập hợp người và các sự kiện. 

Đi bộ không phải là sở thích của người châu Âu hay các nước văn minh. Đó là sở thích và nhu cầu tự nhiên của con người ở mọi thành phố. Nhưng các nhà kiến trúc và quản lý đô thị đã tạo ra các điều kiện cảnh trở hay khuyến khích việc đi bộ. 

Khi các nhà kiến trúc, quy hoạch và quản lý đô thị quên đi việc bố trí những phần lề đường, hành lang, các ghế băng dọc đường, các điểm tựa để nghỉ chân, các khoảng không thích hợp cho việc quan sát và nhìn ngắm xung quanh... thì có nghĩa là họ đã triệt tiêu các điều kiện để người dân thích đi bộ. 

Những người bị chiếm đường khi đi bộ hoặc đi xe đạp, đến lượt mình, rất có thể lại là nguyên nhân cản trở những người khác làm như vậy, khi chính họ cũng dựng xe lấn chiếm đường, hoặc mua bán ngay trên vỉa hè. Mọi người trở thành nguyên nhân và nạn nhân lẫn nhau của tình trạng chen lấn khổ sở trong thành phố và làm cho không gian sống tồi tệ hơn. 

Và giới kiến trúc không hề vô can trong chuyện này, bởi họ là tác giả của vệc thiết kế các khu phố, căn nhà để tăng tính tiếp xúc của những người dân xung quanh đó, bố trí các ghế băng, điểm tựa, không gian để tạo điều kiện cho việc nán lại, đứng, ngồi, và diễn ra các hoạt động công cộng.

  • Liệu có cách nào đó để chúng ta tránh được giai đoạn "khủng hoảng" về không gian sống?

Các kết quả nghiên cứu cho thấy giao thông chậm trong đô thị có ý nghĩa thúc đẩy mối quan hệ giao tiếp giữa cộng đồng (vì có nhiều điều kiện để trao đổi mới nhau hơn). Và nếu có người còn băn khoăn về tính hiệu quả của những cây cầu dành cho khách bộ hành ở VN, thì đây có thể là một ý kiến đáng tham khảo: 

"
Đi bộ là một đòi hỏi tự nhiên nhưng có giới hạn về cự li mà con người có thể đi bộ được. Theo nhiều tài liệu khảo sát, cự li đi bộ có thể chấp nhận được cho đa số người trong hoàn cảnh hằng ngày bình thường là khoảng 400 đến 500m. [...]

Ở các đường phố buôn bán người ta có xu hướng đi theo đường ngắn nhất thay vì đường an toàn nhất. Chỉ khi nào ở những nơi giao thông bằng ô tô rất đông đúc, những nơi đường phố rất rộng, hoặc nơi mà những lối qua đường cho người đi bộ được bố trí rất tốt thì ở đó việc sử dụng lối qua đường cho người đi bộ mới có hiệu quả.

Sự kết hợp của giao thông bằng ô tô tấp nập, các rào chắn và sự qua đường khó khăn dẫn đến những đường vòng khó chịu và những hạn chế bất hợp lý cho giao thông đi bộ.
"


Một đám cưới bộ hành...


Duy trì các mối quan hệ hoặc bắt đầu những mối quan hệ mới


Một cuộc sống năng động và thân thiện hơn

Jan Gehl đã chính xác khi viết: "Nếu vào một lúc nào đó một đội quy hoạch gia được giao nhiệm vụ làm suy giảm cuộc sống giữa các công trình kiến trúc thì họ khó có thể làm tốt hơn điều họ đã tình cờ làm được trong những khu ngoại ô trải rộng, cũng như trong rất nhiều kế hoạch tái phát triển theo chủ nghĩa công năng". 

Linh Thủy

Category: Kiến Trúc Luận | Added by: kenrymax (11/11/2009)
Views: 1160 | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Name *:
Email *:
Code *: