Thị hiếu và Kiến trúc sư

Thị hiếu, xu hướng và trường phái trong thời trang kiến trúc

Thị hiếu ban đầu là sự thử nghiệm thành công của một công việc nghệ thuật đem đến sự ưa chuộng của một bộ phận quần chúng và được lặp lại ở những nơi khác. Có người thích có người chê bai nhưng thị hiếu vẫn xuất hiện. Thị hiếu gây tầm ảnh hưởng đến cho người thụ hưởng lẫn người phục vụ. Người phục vụ vì nhu cầu kiếm sống cũng chạy theo thị hiếu của người thụ hưởng. Và cuộc chơi đã dần đem đến cho xã hội cả một làn sóng của thị hiếu.

Trong đời sống nghệ thuật, thị hiếu rất cần thiết. Nó giúp người ta đi mau đến đích, nghĩa là khẳng định được sự bắt kịp nhịp thời đại. Nó giúp cho người làm nghệ thuật lẫn người thụ hưởng nghệ thuật sự đồng điệu và từ đó tiền bạc và sự thu hút trong kinh doanh sẽ đạt được. Người ta vẫn hay có câu nói: "chạy theo thị hiếu tầm thường”, "thị hiếu đó thấp kém quá”, hay lịch sự hơn: "thị hiếu …khác”. Như vậy nói tới thị hiếu là nói tới một khái niệm "chưa ổn” nhưng nó vẫn tồn tại mạnh trong một bộ phận.

Nhưng thị hiếu khi đã trở thành một yếu tố thành công lâu dài, nhiều người áp dụng đi áp dụng lại thì chính là vì nó đã đạt đựơc những công dụng hữu ích, chắt lọc bền vững thì không thể gọi là thị hiếu mà được gọi là "xu hướng”. Ví dụ mốt nhuộm tóc nâu, vàng, trắng. Có lúc là thị hiếu, có lúc bị gọi là "năm zố” nhưng rồi lại tiếp tục xuất hiện ở những nơi khác với sự thể hiện tinh tế hơn, vẫn được chấp nhận thì không còn gọi là thị hiếu nữa. Mà đó chính là "xu hướng thời trang”.

Xu hướng nghệ thuật là sự chắt lọc từ những trải nghiệm, sang tạo và tiếp tục trải nghiệm để được lưu giữ lại. Xu hướng nghệ thuật được phân tích bằng lý thuyết, bằng chữ nghĩa để khẳng định lý do tồn tại của nó. Người đi theo xu hướng nghệ thuật là người am hiểu nó, biết vận dụng nó đúng đắn vào từng tình huống để làm sang tác. Vì vậy người làm nghệ thuật có thể thường theo một hoặc một ít xu hướng sang tác nhưng lại cần phải có kiến thức về rất nhiều xu hướng để đừng bị "lạc đường”.

Thị hiếu có thể đã từng là những xu hướng bền vững, thậm chí đã là những trường phái thành công của nhiều thế hệ ở nơi khác, nhưng lại được sử dụng lại ở một nơi hoặc một thời điểm khác. Trong những thập niên 90, thị hiếu sáng tác trang trí nội thất của các nước Châu Á phát triển rộ lên trường phái Art Deco (của thập niên 1910-1930). Và nó đã đem lại một cú "retro” ngoạn mục cho thị trường nội thất một thời gian dài. Những người đi theo Art Deco đã phải sử dụng lại tư liệu cũ, hình ảnh tham khảo cũ của thế hệ trước để làm kim chỉ nam cho các sang tác của mình và rất thành công.

Tranh kính theo phong cách Art Deco

Tòa nhà Chrysler - Manhattan, Newyork, Hoa Kỳ (phong cách Art Deco)

Kiến trúc sư có làm việc theo thị hiếu không?

Kiến trúc sư cũng không thoát khỏi những ảnh hưởng nêu trên. Trong chuyện làm ăn, người KTS cố gắng chinh phục cảm tình khách hàng bằng những khả năng hòa hợp giữa thị hiếu và những cái riêng của mình để có thể đi nhanh đến hiệu quả của hợp đồng. Cũng không nhiều những KTS cố gắng "bán” cho người khách những cái xa lạ với "cái thích” của chủ đầu tư. Bởi vì làm như thế là KTS đã tự chuốc lấy sự nghi ngờ về khả năng thành công của cả hai. Nhà cầu thang không sử dụng lan can kính cường lực! chứng tỏ KTS này thuộc loại "old fashion” rồi! Vì vậy lan can nhất thiết phải là kính cường lực. Hàng rào sao cứ mãi chấn song sắt, sao không làm kính cường lực như người ta? Vì vậy KTS có bị nói là "chạy theo thị hiếu”? Theo tôi câu trả lời là: "Ai cấm?”

Cầu thang bằng kính cường lực

Như đã nói ở trên, nhờ có thị hiếu, chúng ta có sự trải nghiệm, sự chắt lọc để có được những thành công trong những xu hướng. Trong trường hợp này là "xu hướng kiến trúc”. Tôi lấy ví dụ: Nhà phố ở VN có lẽ nếu có một nghiên cứu nghiêm túc sẽ có thể viết ra được những đúc kết về nghệ thuật tuyệt hảo. Dĩ nhiên tỉ lệ là 1nhà/1000 nhà cho những tác phẩm hay nhưng đó vẫn là những điều đáng trân trọng. Vậy khi đi theo thị hiếu, người KTS cần phải tỉnh táo và đầy trách nhiệm. Nhà cửa là những đồ vật tồn tại lâu hơn tuổi thọ của chúng ta, vì vậy hãy nghĩ đến sự tồn tại của nó trong thế giới thẩm mỹ của nhiều năm tháng.


Kiến trúc sư có trách nhiệm gì với việc xây dựng thị hiếu kiến trúc?

Nói đến trách nhiệm cho to tát, chứ thực ra, chúng ta không thể muốn tạo ra thị hiếu là làm được. Thị hiếu là những thành công bất ngờ của những sang tạo bất ngờ trong nghề nghiệp chúng ta. Nhưng khi đã phải đối diện với thị hiếu, chúng ta, KTS phải là những người hiểu biết hơn ai hết mặt trái và mặt phải của một thị hiếu. Chúng ta biến những thị hiếu "tầm thường” thành những đóng góp sang tạo "đúng nơi”, "đúng lúc”, chúng ta nâng tầm của những thị hiếu đó lên thành những "bất ngờ mới” để tạo ra những "thị hiếu mới”. Như vậy chúng ta mới thoát được sự phê phán "KTS này chỉ biết chạy theo thị hiếu”.


TP Hồ Chí Minh, tháng 11 năm 2009.
KTS Dương Hồng Hiến.

 

Category: Kiến Trúc Luận | Added by: kenrymax (13/12/2009)
Views: 1006 | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
ble" width="100%" border="0" cellpadding="2" cellspacing="1">
Tên *: Địa Chỉ Mail:
Mã Bảo Vệ *: