Tòa nhà quốc hội Scotland

Tòa nhà quốc hội “trẻ” nhất thế giới này có thể giúp bạn cảm nhận về thái độ của người Scotland trong quá trình xây dựng biểu tượng mới về quyền lực của nhà nước pháp quyền. Một công trình được đánh giá là diễn đạt xuất sắc bằng ngôn ngữ kiến trúc về một “trạng thái tự do hoàn hảo”.



Những trúc trắc ban đầu 

Trước khi tới đây, qua sách báo, tôi không khoái kiến trúc này. Phòng họp quốc hội gì mà xà dầm ngổn ngang, nhọn hoắt như muốn chọc vào đầu các nghị sĩ. Quá nhiều chất liệu, quá nhiều chi tiết trang trí rối mắt… Đâu là tự do, chỗ nào là lộn xộn? 

Đây quả là một kiến trúc… nhiều tai tiếng, trục trặc. Công trình được thiết kế bởi Enric Miralles, kiến trúc sư người Tây Ban Nha và hai nhóm thiết kế EMBT, RMJM. So với thiết kế ban đầu, nhà quốc hội Scotland được xây dựng trên khu đất rộng hơn 30.000m2, tăng hơn 14.000m2. Kinh phí tăng từ 75 triệu USD lên 830 triệu USD. Công trình hoàn thành hồi tháng 10-2004, chậm tiến độ mất 4 năm. 

Khởi công chưa được bao lâu cả kiến trúc sư và đại diện chủ đầu tư đều qua đời bởi bạo bệnh. Trong và sau thời gian thi công, công trình là đề tài quan tâm hàng đầu của báo chí Anh. Năm 2003, tòa nhà quốc hội trở thành vấn đề nổi cộm chính trong cuộc bầu cử quốc hội Scotland năm 2003…



Biểu tượng quyền lực

Nhưng chính tôi lại cũng băn khoăn liệu có tác phẩm kiến trúc nào hoàn thiện, toàn mỹ? Chỉ 10 ngày ở Edinburgh mà dường như có điều gì xui khiến tôi trở lại đây lần thứ ba. Đi quanh phố Canongate qua trung tâm Dynamic Earth, lâu đài Holyrood, chui vào bên trong để quan sát chi tiết rồi leo lên đỉnh Salisbury nhìn xuống bao quát, tôi mới hiểu ý tứ sâu sắc từ câu nói cửa miệng của Enric Miralles về kiến trúc của mình: “Sitting in the land”. 

Chỉ cần với ý tưởng đơn giản này, nhà quốc hội Scotland đã khác hẳn nhiều nhà quốc hội được xây dựng vào thời điểm mà quyền lực chính trị luôn giành được bởi chiến tranh và bạo lực. 

Điểm nhấn của những kiến trúc này thường khống chế không gian cao, lớn. Như lâu đài Westminster (nhà Quốc hội Anh) được thiết kế bởi Edward những năm 1040. Nơi đó nổi bật tháp Victoria (102,5m), tháp Big Ben (94,5m). Như cung điện Kremlin (Nga) được tái thiết thành trụ sở của cơ quan quyền lực tối cao thời Nga hoàng bởi Kazakov năm 1763, với tháp chuông Ivan Đại đế (81m). Như nhà Quốc hội Mỹ được P. Lanphan hoạch định từ 1793. Tòa nhà Quốc hội Bzazil được Oscar Minemeyer tạo dựng những năm 1960 cũng sừng sững trên quảng trường Tam Quyền ở thủ đô Brasillia... 

Tất cả các kiến trúc này đều “đứng” cao vòi vọi, có thể nhận biết từ xa, đó là những ngôi đền của quyền uy chính trị. Chiều cao kiến trúc luôn mang thông điệp về khát vọng thông nối trời đất, nhu cầu vươn tới sức mạnh tối thượng.



“Phẳng” hơn cho tự do, cởi mở 

Trong khi đó, nhà quốc hội Scotland thì lại… ngồi bệt xuống đất. Enric Miralles chỉ muốn nó là một chi tiết nhỏ hài hòa với cảnh quan và kiến trúc tổng thể của thủ đô Edinburgh. Đỉnh cao của kiến trúc là hài hòa với thiên nhiên, cảnh quan và nhu cầu sống của con người. Đó cũng là ngôn ngữ để Enric Miralles mô phỏng, thiết kế trụ sở cơ quan quyền lực tối cao của chính quyền trong một thế giới đang trở nên “phẳng” hơn bởi tự do, cởi mở và dân chủ. 

Mặt phía đông là tòa nhà nghị sự tiếp giáp Holyrood, tạo nên cuộc đối thoại lý thú của kiến trúc đương đại với lâu đài cổ kính. Phía tây là tòa nhà dành riêng cho các nghị sĩ. Những thiết kế của Enric Miralles tạo cho phòng các nghị sĩ có một ô cửa hình chiếc lá lạ nhất thế giới. Vai ghế của các nghị sĩ ngồi làm việc được uốn cong theo dáng lá. 

Ngồi đó, các nghị sĩ được ngắm một bảo tàng kiến trúc cổ rất đa dạng của Edinburgh. Bên đường Canongate, trên bức tường mang dáng hình một con tàu lớn, những phiến đá sưu tập từ khắp xứ sở Scotland được thiết kế theo những gì Enric Miralles nhìn thấy, cảm nhận được về thành phố Edinburgh từ khung cửa khách sạn mà ông từng lưu lại. Một bức tường lớn chỉ để tôn vinh những dấu ấn cá nhân kiến trúc sư. 

Nhưng có lẽ tôi thích nhất góc đông nam của kiến trúc này, phần tiếp giáp với công viên Holyrood. Các nhánh bêtông ôm lấy những vạt cỏ như vươn tỏa từ tòa nhà lớn và khu vườn hành lang mang hình những chiếc lá để kết nối với công viên và dãy núi đá. Chính kiến trúc mở này đã tạo ra khoảng không rộng lớn cho công chúng tụ tập, tiếp cận với quốc hội. Công trình đã diễn đạt xuất sắc bằng ngôn ngữ kiến trúc về một “trạng thái tự do hoàn hảo” - một khái niệm giúp người dân hiểu đích thực về quyền lực chính trị mà John Locke đã nêu hồi thế kỷ 17 trong Khảo luận thứ hai về chính quyền, tác phẩm lớn của nền triết học chính trị nhân loại.



Sau khi đi vào hoạt động, hằng năm nhà Quốc hội Scotland có gần 1 triệu khách tham quan, chỉ chịu đứng sau số du khách thăm viếng lâu đài cổ nổi tiếng Edinburrgh đã được xây dựng từ gần 500 năm trước. Vì sao tòa nhà lại có sức hấp dẫn đến vậy? Phải chăng nền văn hóa, nền chính trị nào và đẳng cấp kiến trúc nào thì… trụ sở quốc hội ấy? 

XUÂN BÌNH 

Category: Công Trình Công Cộng | Added by: kenrymax (11/11/2009)
Views: 1067 | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
ble" width="100%" border="0" cellpadding="2" cellspacing="1">
Tên *: Địa Chỉ Mail:
Mã Bảo Vệ *: